Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Từ 1/7, siết nhập cư nội thành Hà Nội

Siết nhập cư

Luật thủ đô với 4 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 đưa ra nhiều chính sách xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô. Đáng chú ý, điều 19 quy định về quản lý dân nhập cư vào thủ đô.

Theo đó, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Luật này được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 21/11/2012 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 với số phiếu 75,7%. Riêng điều 19 về quản lý dân cư, số phiếu tán thành 69,48%. Có 106 đại biểu không tán thành, bằng 21,29%.
Từ 1/7, siết nhập cư nội thành Hà Nội, Tin tức trong ngày, siet nhap cu vao thanh pho lon, siet nhap cu, dang ky tam tru, dag ki thuong tru, luat cu tru, nhap cu o ha noi, quoc hoi, bao, tin tuc, tin hot, tin hay, vn
Với thực tế áp lực tăng dân số tự phát, thành phố không có đủ kinh phí cải thiện cơ sở hạ tầng. (Ảnh Hồng Phú)
Cũng theo Luật Thủ đô, HĐND TP. Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.

Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Công dân thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú được đăng ký thường trú ở nội thành.

Theo bản thuyết trình chi tiết về Luật Thủ đô trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 của Bộ Tư pháp, trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2011, dân số toàn Thành phố có khoảng gần 1,8 triệu hộ, với 7 triệu nhân khẩu (tăng 225.070 hộ, 592.543 người).

Với thực tế áp lực tăng dân số tự phát nêu trên, đặc biệt là ở các quận nội thành, Thành phố không có đủ kinh phí cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công như giáo dục, ‎y tế, giao thông.

Ngày 5/11, tại phiên thảo luận về Luật thủ đô (Kỳ họp thứ 4 QH khóa 13), đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội cho đây là một biện pháp hành chính áp dụng trước mắt để siết chặt điều kiện nhập cư vào các quận nội thành của thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

Một trong những lý do ông Chung đưa ra, bởi thực tế sự quá tải trong quản lý dân cư sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, các dịch vụ của người dân sẽ phải trả chi phí cao hơn, vừa gây áp lực cho chính quyền trong quản lý. Đồng thời cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của chính người dân khi sống trong môi trường, thiếu các điều kiện về dịch vụ mà đáng lẽ họ phải được hưởng tốt hơn. Từ đó, đẩy chi phí đời sống của người dân sẽ cao hơn.
Dự thảo các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13:

“Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Khoản 2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Khoản 3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
Khoản 4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét